Trong báo cáo tài chính mới nhất, CEO của Fujifilm cho biết kết quả kinh doanh rất tích cực cho toàn bộ lĩnh vực hình ảnh, đồng thời ông cũng đề cập đến việc nguồn cung đã bình thường và dự kiến giá thành các thiết bị sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong phần báo cáo tài chính của Fujifilm, CEO công ty là ông Goto, đã được hỏi về tình trạng thiếu hụt hàng và lượng hàng tồn kho hạn chế và một số câu hỏi khác. Dưới đây là câu hỏi và phần trả lời được phiên dịch từ Fujirumors:
Câu hỏi:
“Mặc dù công ty của ông hoạt động tốt từ tháng 1 đến tháng 3, nhưng một số công ty khác, chẳng hạn như Canon, lại gặp khó khăn do phải điều chỉnh hàng tồn kho. Trong lĩnh vực kinh doanh máy ảnh của ông, liệu Fujifilm có bất kỳ thay đổi nào về điều chỉnh hàng tồn kho và thị trường máy ảnh kỹ thuật số, dòng máy ảnh INSTAX trong năm nay không? Tôi cho rằng ông có một kế hoạch khá vững chắc. Ông có thể chia sẻ về tình hình hiện tại của mình không?“
Trả lời:
“Điều quan trọng nhất là tạo dựng và duy trì sức mạnh thương hiệu như thế nào. Do đó, việc sản xuất quá nhiều và giảm giá bán sẽ rất đáng tiếc. Điều mà Fujifilm đã cố gắng thực hiện trong một thời gian dài cuối cùng đã thành hiện thực.
Một ví dụ là các máy ảnh với các tính năng đặc biệt. Chẳng hạn như dòng GFX được trang bị cảm biến CMOS lớn nhất thế giới và đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ người dùng chuyên nghiệp và người dùng nghiệp dư cao cấp. Mặc dù giá thành khá cao nhưng khách hàng vẫn đang chờ đợi các đơn đặt hàng trước. Ống kính đi kèm cũng bán rất chạy.
Chúng tôi dự định thúc đẩy toàn bộ ngành hàng hình ảnh, bao gồm cả INSTAX, đồng thời tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và không làm giảm giá trị của các sản phẩm mà khách hàng đã mua.
Ví dụ, như tôi thường nói trong nội bộ của mình, Leica, một nhà sản xuất nổi tiếng của Đức, vẫn duy trì giá trị rất cao cho cả máy ảnh cũ và máy ảnh hiện tại của họ, và đây chính là mục tiêu chúng tôi muốn hướng đến. Mục tiêu của chúng tôi với máy ảnh mirrorless là thay đổi căn bản cách thức Fujifilm bán máy ảnh trong quá khứ.“
Câu hỏi:
“Cho phép tôi[phóng viên] xác nhận một điều. Tình trạng hàng tồn kho có bình thường không?“
Trả lời:
“Vâng (Có)“
Tuy nhiên phía Fujirumors có nhận xét trên trang của mình rằng câu trả lời này không thoả đáng. Các thương hiệu sản xuất quá nhiều sản phẩm rồi phải bán tháo hàng với giá chiết khấu lớn để loại bỏ lượng hàng tồn kho dư thừa là điều không tốt. Và điều này cũng có thể không tốt cho những người muốn bán lại thiết bị Fujifilm của họ, vì sản xuất quá mức sẽ khiến thiết bị của họ mất giá nhanh hơn.
Nhưng Fujifilm cần phải tìm ra sự cân bằng tốt hơn giữa sản xuất và nhu cầu do tình trạng thiếu hụt đang cao, dẫn đến việc giá bán của Fujifilm cũng đang tăng cao chóng mặt. Ví dụ hiện tại là Fujifilm X100VI – Chiếc máy ảnh này nhận được quá nhiều đơn đặt hàng trước đến mức ngay cả năng lực sản xuất của Canon, Nikon và Sony cộng lại cũng khó có thể đáp ứng đủ. Fujirumors không nghĩ rằng việc một số thiết bị khó tìm thấy trong kho hàng hơn 2 năm sau khi ra mắt là “bình thường” như ông Goto nhận xét.
Ví dụ:
- Rất khó để tìm thấy XF 27mm F2.8 R WR mới
- Fujifilm X-E4 vẫn nhận được đặt hàng dù đã ngừng sản xuất
- Fujifilm X-T5 cháy hàng ở một số trang bán lẻ và gần như rất khó để tìm thấy máy mới
- Cháy hàng dòng X và GFX tại các cửa hàng Nhật Bản
Việc ông Goto cho rằng “bình thường” là hoàn toàn không bình thường, khác xa với những gì ông tả là nguồn cung bình thường. Không sản xuất quá mức là điều tốt, nhưng bỏ lỡ một lượng lớn doanh số bán hàng vì bạn không thể giao hàng mà người dùng thật sự cần đến; Đây cũng không phải là chiến lược kinh doanh tốt nhất.
Chưa rõ trong câu trả lời của ông Goto có ẩn ý gì, nhưng việc giảm giá các sản phẩm của Fujifilm là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên câu hỏi thật sự ở đây là liệu việc giảm giá này có diễn ra sớm hay phải 1-2 năm sau chúng ta mới thật sự mua được những chiếc máy ảnh X100VI đúng giá thành, chạm tay vào các máy ảnh mới ngay khi chúng vừa ra mắt mà không phải đợi một thời gian và luôn cháy hàng ở thời điểm hiện tại.