WinWinStore – Máy ảnh là những sản phẩm giá thành cao, nhưng không chỉ dừng lại ở mức cao mà một số mẫu máy còn rất đắt, đắt đến nỗi chúng ta phải xuýt xoa về sự độc đáo và cả về giá bán của chúng. Dưới đây là top 10 chiếc máy ảnh đắt giá nhất từ trước đến nay.
Dưới đây là top 10 chiếc máy ảnh đắt giá nhất từ trước đến nay, đây không phải là những chiếc máy ảnh đắt nhất mà chúng là 10 chiếc trong số những chiếc máy ảnh đắt nhất. Và đồng thời cũng đừng ngạc nhiên vì sao có nhiều sản phẩm đến từ Leica, một thương hiệu máy ảnh cao cấp.
Apollo 15 Hasselblad Moon Camera
Chiếc máy ảnh này rất nổi tiếng vì nó đã được dùng vào sứ mệnh Apollo 11, sứ mệnh đưa người đàn ông đầu tiên lên mặt trăng vào 20/7/1969. Đến từ thương hiệu Hasselblad, đây cũng là một trong những thương hiệu sản xuất các máy ảnh đắt tiền và thực tế có đến 2 chiếc máy được gửi đi trong sứ mệnh này. Một chiếc ở trong con tàu Eagle, chiếc còn lại thì được Neil Armstrong mang theo để chụp bề mặt mặt trăng. Nhưng đáng tiếc là cả hai khi đó đã bị bỏ lại bề mặt mặt trăng và chưa trở về Trái Đất.
Mãi cho tới 1971, một sứ mệnh khác của Apollo 15 là đi thu nhặt về những dữ liệu và ảnh mặt trăng, cùng với đó là các thiết bị hình ảnh thì ba chiếc máy ảnh 70mm Hasselblad Data Cameras (một thân máy LM1 và hai thân máy LM2) đã được thu hồi bởi các nhà phi hành gia David Scott, James Irwin và Alfred Worden. Hai chiếc máy ảnh LM2 được gắn với ống kính 60mm và được gắn trên đồ bảo hộ của phi hành gia, chiếc máy ảnh này tự động bán phần và sử dụng pin, vì thế phi hành gia có thể bấm nút để kích hoạt cò chụp.
Chiếc máy ảnh LM1 thì gắn ống kính độ phân giải cao 500mm.
Hiện tại, chỉ có 1 chiếc LM2 được bán kèm ống kính theo dạng đấu giá hồi 2020. Giá của chiếc máy ảnh này là 910.400 USD tương đương khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Canon IXUS 65 Diamond Edition
Thương hiệu Canon cũng có cho mình máy ảnh cao cấp và Canon IXUS 65 Diamond Edition là một trong số đó. Tính đến hiện tại thì đây vẫn là chiếc máy ảnh đắt giá nhất mà Canon từng sản xuất kể từ năm 2006, đây là một phiên bản đặc biệt của Canon IXUS 65, được đính kèm đến 380 viên kim cương bao quanh ống kính và trông rất hào nhoáng. Chỉ có 10 chiếc được làm ra và bán đấu giá trên eBay với khoảng 40.000 USD mỗi chiếc, hiện tại giá của máy ảnh đã lên khoảng 54.000 USD ngày nay, tương đương khoảng 1.2 tỷ đồng.
Jony Ive & Marc Newson Leica M Prototype
Leica được biết đến với các máy ảnh và ống kính phiên bản giới hạn sở hữu nhiều thiết kế khác nhau và cả giá bán nữa dù thông số không khác biệt. Trong số đó có mẫu nguyên bản Jony Ive & Marc Newson Leica M Prototype là sự kết hợp giữa nhà thiết kế công nghiệp nổi tiếng Marc Newson và cựu Giám đốc Thiết Kế của Apple Jony Ive.
Hai cái tên lớn trong ngành thiết kế đã ngồi lại và cùng xem qua 561 mẫu, hơn 1000 thành phần trong suốt 85 ngày cho tới khi nguyên mẫu cuối cùng được ra đời. Chiếc máy ảnh được chạm khắc laser vỏ ngoài bằng vật liệu hợp kim nhôm và nhôm anodized, bên ngoài máy ảnh hoàn toàn trống không, không có logo hay ký tự cùng chữ nào cả, cũng chẳng có dấu chấm đỏ đặc trưng của Leica nữa.
Nguyên mẫu được xây dựng với bên trong là cảm biến 24MP Leica M240 cùng với ống kính APO-Summicron 2/50 ASPH và khi bán đấu giá hồi 2013 là 1.8 triệu USD, tương đương khoảng hơn 40 tỷ đồng. Đây mới chỉ là nguyên mẫu được bán, theo dự kiến khi đó nó sẽ có vẻ ngoài giống như ảnh bìa của bài viết này.
Louis Daguerre’s Suisse Fréres Daguerreotype
Chiếc máy ảnh Daguerreotype được phát minh bởi Louis Daguerre và được giới thiệu vào năm 1839, đây là chiếc máy ảnh hay nói đúng hơn là quy trình chụp ảnh công chúng đầu tiên. Có thể nói là Daguerreotype chính là sự khởi đầu cho lịch sử nhiếp ảnh, các bức ảnh được phơi sáng trên một tấm đồng mạ bạc được xử lý bằng khói để nó nhạy sáng. Phơi sáng có thể mất vài giây trong điều kiện sáng nhất hoặc lên đến vài phút (hoặc hơn nữa) tuỳ vào điều kiện ánh sáng và chủ đích chụp. Cùng với Alphonse Giroux, công ty Pháp Susse Fréres được độc quyền sản xuất và bán máy ảnh Daguerreotype này vào năm 1839.
Hiện tại chỉ có một chiếc còn sót lại và hoạt động được, được sản xuất vào năm 1839 và nó cũng là chiếc máy ảnh lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới. Tuy vậy thì nó được bán đấu giá khá đắt với 740.000 USD hồi 2007 và hiện tại là 940.000 USD tương đương khoảng 21 tỷ đồng. Chiếc máy ảnh có ống kính kép tiêu sắc mặt khum 382mm với khẩu độ hiệu quả F14 được kĩ sư Charles Chevalier chế tạo. Đây cũng là ống kính thứ ba mà Chevalier chế tạo cho một chiếc Daguerreotype. Đáng chú ý hơn là chiếc máy ảnh bị thất lạc gần 170 năm trước khi được phát hiện tại một căn gác mái đầy bụi ở Munich, Đức.
Leica II Luxus
Năm 1992 Leica đã sản xuất 4 phiên bản cao cấp của chiếc máy ảnh Leica II, chiếc máy ảnh rangefinder 35mm được thiết kế bởi Oskar Barnack và thường được dùng với ống kính 50mm F3.5 Leitz Elmar.
Phiên bản Luxus II này có thiết kế và tính năng khá giống phiên bản gốc, nhưng nó được mạ vàng cùng với lớp da cự đà. Một bản được bán đấu giá kèm theo cả vỏ đựng bằng da cá xấu nữa. Máy ảnh đã được tặng cho một người đam mê chụp ảnh xứ Wales sau Thế chiến thứ hai. Sau đó anh ta đã tiếp tục sử dụng nó trong vài thập kỷ và nó xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng vào năm 2001 khi chủ sở hữu mang nó đến với loạt chương trình Antiques Roadshow của BBC, mặc dù vậy thì chiếc máy đã không được bán đấu giá cho đến năm 2013, sau khi ông qua đời.
Khi chủ nhân qua đời, máy ảnh được bán đấu giá 620.000 USD tương đương khoảng 14 tỷ đồng. Mặc dù cho biết là có 4 phiên bản nhưng 3 bản kia vẫn chưa được tìm thấy.
Leica M3D-2
Đây là chiếc máy ảnh không phải nguyên mẫu đắt nhất, Leica M3D-2 có một màu sơn đen và chỉ có 1 trong 4 chiếc được nhiếp ảnh gia người Mỹ David Douglas Duncan tuỳ biến lại. Người này nổi tiếng làm việc cho tạp chí Life Magazine, National Geographic và cũng đã là người ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử của Thế chiến thứ hai, chiến tranh Hàn Quốc, chiến tranh Việt Nam. Ông thậm chí bên cạnh công việc thời chiến mà trong Thế chiến thứ hai đã từng giao chiến với một tên phát xít Nhật.
Leica M3D-2 có màu nhôm anodized đen cùng ống kính 50/1.4 Summilux-M với vòng lấy nét được tuỳ biến lại. Leica cũng từng sử dụng máy ảnh kèm với Leicavit – một bộ phận cuộn nhanh được gắn vào mặt dưới của máy ảnh, thường được các phóng viên ảnh sử dụng để hỗ trợ họ trong các tình huống có nhịp độ nhanh. Chỉ có 4 máy ảnh được sử dụng đáng chú ý nhất cho tác phẩm của Duncan tại Việt Nam và các bức ảnh của ông về Pablo Picasso, người vợ thứ hai và nàng thơ của Picasso, Jacqueline Roque. Máy ảnh được bán tại buổi đấu giá WestLicht hồi 2012 và giá của nó lên đến 2.18 triệu USD, tương đương gần 50 tỷ đồng.
Leica 0-Series
Tiếp tục là một chiếc máy ảnh nữa từ Leica, Leica 0-Series là một phần của mẫu thử nghiệm và chỉ có 25 chiếc, được tạo ra bởi Ernst Leitz hồi 1923. Hiện tại chỉ còn 12 chiếc còn xót lại và 3 trong số chúng là ở tình trạng nguyên bản.
Dòng O-series là nguyên mẫu phục vụ cho Leica Standard được ra mắt hồi 1925, giống như Standard, máy ảnh không thể thay đổi ống kính và sử dụng chiếc 50mm F3.5 được biết đến là Leitz Anastigmat dựa trên thiết kế của Cooke Triplet. Năm 2018, một chiếc được bán đấu giá với con số 2.97 triệu USD và đây được xem là chiếc máy ảnh đắt nhất từng được bán ra, giá tương đương khoảng hơn 64 tỷ đồng.
LargeSense LS911
LargeSense LS911 giữ danh hiệu là chiếc máy ảnh đắt nhất tính đến hiện tại trên thị trường, bên cạnh là một chiếc máy ảnh chuyên dụng trong ngành công nghiệp và y tế, đây còn là chiếc máy ảnh kĩ thuật số định dạng lớn đầu tiên trên thế giới nữa. Với cảm biến film bên trong 8×10, bạn sẽ chẳng thể nhét vừa nó trong bất kỳ túi máy ảnh đeo chéo nào cả.
Bên trong máy ảnh là cảm biến 9×11-inch CMOS với điểm ảnh cực lớn 75-microns, dual native ISO là 2100 và 6400, màn trập điện tử có khả năng đóng lên đến 1/30th giây, độ phân giải 11.9MP và có thể quay video 14-bit CinemaDNG RAW 30FPS. Chiếc máy ảnh này có cân nặng lên đến 18kg khi chưa có tripod và các phụ kiện, đồng thời máy ảnh cần nguồn 120V để hoạt động. Giá bán của nó là 106.000 USD tương đương khoảng 2.4 tỷ đồng.
Phase One XF IQ4 & IQ4 Achromatic
Phase One XF IQ4 & IQ4 Achromatic là một chiếc máy ảnh medium format đắt giá hiện đang bán trên thị trường, thương hiệu máy ảnh đến từ Đan Mạch rất nổi tiếng với các sản phẩm đắt với hiệu năng cao cùng với đó là cảm biến medium format. Bên trong chiếc máy ảnh là cảm biến CMOS 150MP với kích thước khủng 53.4x40mm, đây cũng là chiếc máy ảnh có độ phân giải cao nhất, thân máy lớn nhất cho đến hiện tại.
Máy ảnh sử dụng ống kính Schneider Kreuznach đem đến độ tương phản và độ chi tiết ấn tượng, đồng thời có khả năng sử dụng cả màn trập mặt phẳng (focal plane) và cả màn trập lá (leaf), bạn sẽ có một chiếc máy ảnh phù hợp với nhiều nhiếp ảnh gia, từ chụp thời trang đến phong cảnh. Giá của chiếc máy ảnh này là 55.000 USD tương đương khoảng 1.2 tỷ đồng.
Seitz 6×17 Digital
Máy ảnh có tỉ lệ rộng đã có từ rất lâu, trong số đó có các mẫu Hasselblad XPan (Fujifilm TX-1), Fujifilm GX-617, Linhof Technorama 617 và Widelux là một trong số ít. Nhưng Seitz 6×17 Digital là một mẫu máy ảnh kĩ thuật số khác biệt được ra mắt hồi 2007, xây dựng trên cảm biến lớn 6×17 TDI (Time Delay Integration) Dalsa và cho ảnh độ phân giải 160MP, file ảnh 48-bit.
Nhờ vào cảm biến quét mà máy ảnh cho ảnh độ sâu lớn, màu sắc thực tuy nhiên máy ảnh cũng chỉ phù hợp nhất với chủ thể tĩnh vì phải quét trong thời gian 1 giây (với 1/20000) tới hàng giờ (1 giây phơi sáng mất 5 giờ quét). Nhưng bạn cũng có thể sử dụng ISO cao để bù đắp lại. Mặc dù nghe số liệu có vẻ lâu, nhưng chiếc máy ảnh này lại nhanh hơn so với một số mẫu tương tự. Kết quả ảnh cho ra cũng vô cùng kinh ngạc và cả giá bán nữa, giá của nó ngày nay là 50.000 USD tương đương khoảng hơn 1 tỷ đồng.